• 92/3A Thạnh Mỹ Lợi, P. Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh
  • 0987 309 309
  • [email protected]
logo

                      CÔNG TY CỔ PHẦN TÀI CHÍNH KHOA LÊ

                         MST: 0315682500     - ĐT: (028). 6275 1309

                         Zalo + Viber: 0932.309.309 - 0987.309.309 Mr Khoa

                         Chứng minh tài chính doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành

Đẩy mạnh cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp

Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Đây là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 11/10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của doanh nghiệp cũng như gợi mở một số cơ chế chính sách trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Theo đó, Hội thảo tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp và các bên liên quan cập nhật chính sách của Chính phủ liên quan đến phát thải ròng bằng 0; cũng như nhận diện những cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới. Đồng thời, góp phần đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 diễn ra vào năm 2021 (COP 26).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngay sau khi Hội nghị COP 26 ở Glasgow kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, cũng như đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Tiến trình thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đây cũng là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Chia sẻ cụ thể hơn, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính. Đặc biệt, các vấn đề xã hội liên quan đến việc chuyển đổi là rất lớn và thế giới đã đưa ra đòi hỏi “Chuyển đổi công bằng – Just transition” đối với quá trình này. Do đó, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng 0 là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, cũng như góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về nguồn nhân lực có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển thị trường carbon và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp. Theo đó, thứ nhất là cần hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường carbon; thứ hai là vai trò chủ động của doanh nghiệp; thứ ba, sự vào cuộc các bên liên quan; thứ tư là công tác truyền thông và thứ năm là sự vào cuộc của chính quyền. Ngoài ra, việc phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon…